Mùa an cư nào cũng thế! Ai cũng chuẩn bị cho mình một hành trang, một lý tưởng, lẫn sự quyết tâm, để khi bước vào trường hạ thì ít nhiều gì cũng tìm được phần nào sự an lành và hạnh phúc trong Chánh pháp Phật Đà. Cả một khuôn khổ giới luật, cho đến từng bước đi, từng lời nói, hay hành động đều là oai nghi tế hạnh cần phải cẩn trọng, quan tâm. Quả thật, chỉ ba tháng thôi, nhưng đó là một chặn đường đầy quyết tâm đối với một số vị. Nhưng, một khi đã cảm nhận được hạnh phúc và niềm vui của sự hành trì giới luật, thì những giây phút đều là sự nhiệm mầu và an trụ của tâm hồn. Sáng rồi lại chiều, chiều rồi lại tối, cả ngày đều là những sự chuẩn bị và thực hành các thời khóa tụng niệm, hành thiền và thính pháp… đều mang theo những tâm lý và thực trạng khác nhau, có vị thì chỉ thích tọa thiền, vị thì thích tụng niệm hay thính pháp, nhưng tất cả những pháp môn hay sở thích riêng của mỗi vị đều hướng đến sự an lạc và hành trì cho tự thân của mình.
Mỗi trường Hạ đều có cách tổ chức và thời khóa tu tập riêng, tùy theo hoàn cảnh và khuynh hướng hành trì. Như hệ phái Khất sĩ thì luôn chú trọng vào pháp môn thiền quán, sự lắng sâu của tâm thức, theo lời dạy của đức Tổ sư Minh Đăng Quang – vị khai sáng đạo Phật Khất sĩ Việt Nam trong bộ Chơn Lý, Tổ dạy: “Người Khất sĩ có pháp tu vắn tắt là Giới, Định, Tuệ” và người Khất sĩ luôn luôn tâm niệm rằng không có hạnh phúc gì bằng sự tĩnh lặng của tâm hồn. Thiền khóa tu định huệ chiếm đa số các thời khóa tu tập và luôn luôn được sự chỉ dạy và giảng giải từ chư Tôn đức. Với trên mình tấm y vàng bá nạp, nhè nhẹ từng bước chân thiền hành, người Khất sĩ đã phác thêm nét đẹp bình dị và thanh thoát của một mùa an cư kiết hạ đầy ý nghĩa. Còn hệ phái Bắc truyền thì đa phần chuyên tâm tụng niệm, lễ bái và sám hối, nghiêm trì tịnh giới, gội rửa tâm hồn.
An cư là một truyền thống tốt đẹp của đạo Phật, do nhiều nhân duyên hội đủ mà Đức Phật đã chế ra khi Phật còn tại thế. Ngày nay truyền thống an cư cũng được gìn giữ và phát triển, được coi là thời điểm vàng son nhất trong một năm. Ngày nay mọi tông môn đều ra sức bảo tồn và phát huy truyền thống cao quý mà Đức Phật đã để lại. Vì có an cư thì những người con xuất gia của Phật mới có dịp trở về cùng nhau sống chung tu học, trau dồi giới đức, chia sẻ kinh nghiệm pháp học lẫn pháp hành để cùng nhau tiến tu đạo nghiệp, được nghe những lời giáo huấn của những bậc thầy đi trước và cùng nhau ngồi ôn lại những di huấn của Như Lai sau khi nhập diệt, càng tưới tẩm thêm cho hạt giống Bồ Đề được nảy mầm và phát triển, mà cảm nhận được sự hạnh phúc khi mình là người con Phật, người con của Chánh pháp, càng nung đúc thêm chí nguyện hoằng dương giáo pháp, một sứ mạng cao cả và thiêng liêng của người con Phật.
Mùa an cư trôi qua, mỗi vị lại tiếp tục chặng đường của riêng mình, nhưng nó vẫn mãi là những ký ức, những dấu ấn cao đẹp để lưu lại trong mỗi tâm hồn của chúng ta, rồi lại tiếp tục mang trên mình một hành trang, một kiến thức mới để vững bước trên con đường đời đầy chông gai và cám dỗ và xin hãy cùng nhau nguyện với lòng mình rằng sẽ mãi mãi tiếp tục nối ngọn đèn Chánh pháp mà chư Phật đã ban truyền, rồi ánh sáng từ bi và trí tuệ của chư Phật lan tỏa khắp nhân sinh, mãi là ngọn đuốc soi đường cho thế gian này từ đây và mãi mãi về sau.
Theo: Tập Đuốc Sen- Giác Minh Luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét