KHÔNG LÀM CÁC ĐIỀU ÁC, HÃY LÀM CÁC VIỆC LÀNH, GIỮ TÂM Ý TRONG SẠCH, LÀ LỜI CHƯ PHẬT DẠY.

Viễn Du

Có những đêm lạc mình trong đêm mộng

Trong mênh mông trong một mảnh hồn thơ

Trong nhịp thở đất trời lên tiếng gọi

Bản thể xưa rung động tợ cung đàn

Ta là ai giữa vũ trụ mênh mang...?

Giữa gió núi trăng ngàn muôn sông nước...

Chiều sương phủ lên đồi ai gối mộng!

Giấc phong trần phiêu lãng đã tàn canh

Và bãi vắng ai về trong tiếng gọi

Nghe tình quê tha thiết dậy trong lòng.





Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Mùa lụt quê mình

Mùa lụt quê mình

image
Quê mình lụt rồi. Nước lụt tận ngoài sông, ngoài đồng mà sao môi mình nghe mằn mặn.
    - Mấy hôm liền, mưa to như trút nước. Không biết nước ở đâu cứ ập xuống. Từng đợt từng đợt. Nước cứ tuôn sầm sập sầm sập xuống mặt đất. Không ngưng nghỉ. Không khéo vỡ đê rồi cũng nên. Là mình nghĩ thế.

Sáng nay mở mắt dậy vẫn nghe mưa rơi ầm ầm, bụng bảo dạ vậy là không xong rồi. Lụt thiệt rồi. Mình chui ra khỏi màn, vớ chiếc xe đạp, trùm áo mưa vô đi mua đồ ăn sáng cho con như lệ thường. Những con phố ngập nửa bánh xe là nước ứ. Mấy bà đi chợ sớm lùm xùm áo mưa hét choang choảng hỏi nhau xem đi đò lên à, chỗ chị nước vô chừng mô rồi.

Ngay chân mấy bà đang đọ tiếng với mưa là những mớ cá. Cá lúi, cá lanh cánh, cá ngũ sắc, con nào con nấy mắt còn long lanh, oằn mình giãy đành đạch trong rổ. Loài cá của mùa lụt, cá cất rớ đầu bờ. Nhìn vậy, mình cảm nhận được mùa lụt đã chính thức bắt đầu.

Mùa lụt đến là những ngôi làng biến thành sông, thành rào, thành phá. Những ngôi nhà bình thường đã rất khiêm nhường giờ trở nên xiêu vẹo hơn trong dòng nước lũ. Những cây cột cây kèo, viên bờ lô, bức tường gạch, những bậc thềm ngạch cửa, chuồng gà chuồng heo ngâm mình trong nước lụt bợt bạt đến nao lòng.

Quê mình xơ xác đến độ nước lũ trông cũng nghèo. Không có màu đỏ của phù sa mà chỉ là màu đục đục, lờ đờ như nước luộc hến. Dập dềnh uể oải trôi cùng dòng nước đó là rác rưởi, là xác con vật bị chết, là cây đầu nguồn bị rựt đến tận gốc, đã trôi về tận hạ nguồn rồi mà lá vẫn còn rung rinh.

Nước lên, mọi đồ đạc, của cải đều được đưa lên càng cao càng tốt. Mới lúc sáng là kê lên giường, trưa đến là kê tấm ván lên thành giường, chặp nữa leo lên tra. Nếu nước vẫn còn lên thể nào cũng phải đóng bè chuối đẩy người già với trẻ con lên trường học tị nạn.

Người lớn tiếc của vẫn kiên gan bám trụ lại nhà để chờ nước lên mà kê cái thùng, cái tủ, bưng con heo, bầy gà lên cao hơn. Nhiều người vì thế mà ra đi trong dòng nước lũ. Vẫn biết còn người còn của nhưng những người nông dân lam lũ một đời không thể nào đành lòng đứt đoạn nhìn của cải của mình bỗng chốc trở thành của Hà bá được.

Mỗi trận lụt qua đi để lại sau lưng những làng xóm tiêu điều, xơ xác. Đường sá nhà cửa ngập ngụa bùn non. Lúa trong chồ mọc mộng. Rau ngoài vườn lầy lụa. Khoai ngoài đồng thối rễ. Những đồng ruộng đang xanh mơn mởn bật gốc từng đám. Rồi bắt đầu rầy nâu, sâu hại, rồi dịch bệnh, tiêu chảy, mắt đỏ.

Rồi khi nước rút, những cái sân be bé còn lởm khởm bùn non bắt đầu được chia ra nhiều đám. Đám này phơi lúa phơi khoai. Đám kia kê cái nong hong áo quần ẩm ướt. Cái bậc thềm sạch sẽ cao ráo thì phơi giấy má sách vở. Học trò bắt đầu đi học với sách vở ướt tèm lem, nhoè nhoẹt chữ.

Mình nhớ năm ngoái chủ nhiệm lớp 12, lúc làm hồ sơ chuẩn bị cho các em thi tốt nghiệp, nhiều em cứ luống ca luống cuống vì giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh thư bị hư hoặc bị trôi, chưa làm lại được. Lúc đóng tiếp tiền học phí học kỳ 2 hoặc số tiền còn thiếu học kỳ 1, nhiều em gãi đầu, gãi tai nói mạ em nói cô xin nhà trường đỡ cho vài hôm, nhà chưa có chi bán được hết.

Giá cả ở chợ bắt đầu đắt gấp rưỡi, gấp đôi. Mớ rau, con cá đều nặng trìu trĩu. Người mua kêu trời sao đắt đỏ vậy. Người bán cũng sượng sùng, tuy không nói ra nhưng trong bụng cũng không vui.

Mình đi làm, thấy những chiếc xe phủ bạt kín mít, bên ngoài đeo băng rôn đỏ choi chói “xe cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt” hăng hái lao đi vun vút. Ừ, mấy anh lái xe nhanh nhanh lên. Đang còn nhiều người thèm miếng cơm nóng hay bát mì tôm ngun ngút khói.

Nhìn đoàn xe đi qua, mình mới hiểu vì sao quê mình nghèo vậy mà ai cũng bám lấy, có đi ở mô xa sung sướng thì lòng cũng đau đáu nhớ quê. Vì quê mình là cái rốn. Rốn lũ, rốn hạn, rốn nghĩa tình thân thương. Cái rốn nhắc người ta nhớ tới cái thời nằm trong bụng mẹ. Mà mẹ thì chắc chắn là quê hương rồi.

Quê mình lụt rồi. Nước lụt tận ngoài sông, ngoài đồng mà sao môi mình nghe mằn mặn. 


                                                    Lê Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Sám hối

Tâm tha thiết bao lần xin sám hối

Mà kiêu căng tật đố vẫn không ngừng

Đức Phật ơi!Ngài cứu độ xót thương

Cho con trẻ chẳng rơi vào hố lửa

Trước Tam Bảo từ nay con xin hứa

Những lỗi xưa xin nguyện bỏ từ đây

Tham,sân,si nuôi dưỡng đã bao ngày

Nay nhất định ra tay trừ dẹp sạch.

(Thích Nữ Châu phương)

" Tôi không buồn, không khóc, cũng không suy nghĩ quá nhiều...Nhưng tôi cần có thêm nhiều hơn một khoảng im lặng để tôi suy ngẫm về chính mình, về mọi người xung quanh...và về cuộc đời."

Khách sang sông nhưng lòng sao vướng bận!
Miệng mĩm cười, chân vẫn cứ bâng khuâng!
bước ra đi hay quay đầu chạy lại?
Đâu bên sông, vang vọng tiếng nhân sầu!!!















Lang thang làm khách phong trần mãi.
Ngày hết quê xa, vạn dặm trường .
(T.T .Tông)







Viễn Du

Pha loãng chút tình trong nắng sớm

Đôi dòng ly biệt khách sang sông.