Bửu Đàm
--- o0o ---
Mỗi độ thu về, mùa Vu Lan lại đến, câu ca dao :
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
lại vang vọng trong lòng mỗi người con dân Việt Nam, người Phật tử Việt Nam. Ngày rằm tháng bảy đã trở thành ngày truyền thống trong dân gian, ngày của những người con hiếu thuận hướng về các đấng sinh thành dưỡng dục ông bà cha mẹ tổ tiên của mình, hướng về công đức của các vị tiền bối đã tạo nên giang sơn gấm vóc, nòi giống quê hương mình. Riêng người Phật tử lại là ngày hội lớn của mùa báo hiếu. Ngày "Vu Lan thắng hội". Ngày noi theo gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên.
Con người là sinh vật cao cấp nhất trong mọi loài trên thế gian, nhờ có trí giác nên phân biệt được phải trái, chính tà, phân biệt được điều thiện, điều ác, phân biệt được việc nên làm và điều nên tránh. Do đó, đức Khổng Tử đã nhấn mạnh :"Nhơn tối linh ư vạn vật". Trên quan điểm đó, ngoài việc phát triển trí năng để sinh tồn, con người còn phải thể hiện nhân cách như thế nào cho đúng với giá trị của nó đối với cuộc sống thì nổi bật hơn hết là nếp sống hiếu thảo với cha mẹ, với những bậc sinh thành đã tạo dựng cho ta nên người, mới không hỗ thẹn với đất trời cây cỏ.
Ông cha xưa có câu :"Chim có tổ người có tông", hoặc phải biết :"Uống nước nhớ nguồn", nhằm nhắc nhở người đời đừng bao giờ phủ nhận hoặc lãng quên công đức cao dày của phụ mẫu và tổ tiên.
Vì lẽ đó mà bất luận nền đạo đức luân lý nào, ở bất cứ xã hội thời đại nào, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, Âu hay Á, xưa nay luôn lấy chữ hiếu làm đầu. Do vậy mà người xưa có câu :"Thiên kinh vạn nghĩa hiếu nghĩa vi tiên". Ở đời, nếu một người nào đã bất hiếu với cha mẹ thì không còn một tội ác nào trên thế gian này mà không dám làm cả. Một kẻ đã vong ân bội nghĩa quên hết nguồn gốc giống nòi thì không còn biết đến nhân nghĩa, bác ái công bằng là gì nữa.
Thật vậy, làm người phải biết thể hiện lòng hiếu thuận, phải biết gạn đục khơi trong mới mong tiếp nhận cuộc sống Chân, Thiện, Mỹ; mới xây dựng được hạnh phúc thật sự trong cuộc sống hiện tại.
Là con người ai cũng hiểu ơn mẹ hiền chín tháng cưu mang, ba năm nhũ bộ. Bên ướ? mẹ nằm, bên ráo con lăn, lúc dành miếng ngon, khi dỗ giấc ngủ, lúc ốm đau mẹ hiền thức trắng năm canh, khi khỏe mạnh mẹ vui mừng khôn tả. Con u buồn mẹ cũng buồn theo, lòng mẹ như cung đàn muôn điệu lúc nào cũng rung lên theo nhịp thở của con. Bởi vậy, trong nhân gian đã dành cho người mẹ rất nhiều hình tượng tuy bình dị, khiêm nhường nhưng rất cao quý :"Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau".
Mẹ là hương vị ngọt ngào của cuộc đời, là giòng suối bất tận của thế nhân, là khung trời diễm ảo của tuổi thơ, là hết thảy những gì cao đẹp nhất của sự cao đẹp! Ôi, bất hạnh biết bao, nếu ai trong chúng ta chẳng còn mẹ, nên một nhà thơ đã diễn đạt sự mất mát ấy : "... Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Mất đi cả bầu trời..."
Tôi biết tôi mất mẹ
Mất đi cả bầu trời..."
Trong lúc đó công ơn của cha mẹ như non cao vời vợi, suốt đời làm lụng vất vã vì con, chạy ngược chạy xuôi lăn lóc trên đường đời, lấy mồ hôi đổi miếng cơm manh áo nuôi con. Cả cuộc đời tận tụy vun đúc, giáo dục, chăm chút cho con thành người hữu dụng, khôn ngoan để khỏi thua chúng kém bạn, để không hỗ thẹn với đời. Cha mẹ xem con cái là tinh hoa của mình, là sự thừa kế thiêng liêng, là sợi dây máu thịt mật thiết muôn đời.
"Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót con đen sì"
Nên trong Kinh Thi có câu:
"Phụ hề sinh ngã
Mẫu hề cúc ngã
Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao
Dục báo thâm ân, hiệu thiên vãng cực".
"Cha sinh ta, mẹ nuôi ta. Hỡi ơi, cha mẹ sinh ta cực nhọc muôn phần. Muốn đền đáp công ơn của cha mẹ như với lên trời cao chẳng cùng".
Công ơn cha mẹ thật là trời cao biển rộng làm sao kể xiết.
Là Phật tử hơn ai hết ta thấy công đức cha mẹ là một trong Tứ trọng ân mà bất cứ người con Phật nào cũng hằng mong báo đáp. Vì hiếu hạnh đứng đầu trong muôn hạnh lành nên Đức Phật dạy :"Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế". Vì vậy, ngày Vu Lan chính là ngày để cho hàng tứ chúng con Phật thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với thâm ân phụ mẫu, tứ thân phụ mẫu, cửu huyền thất tổ, đa sanh phụ mẫu trong nhiều đời nhiều kiếp.
Tuy nhiên, sự thể hiện hiếu hạnh của người con Phật không thể tách rời cuộc tu dưỡng đạo đức trước khi đi đến giác ngộ và giải thoát. Bởi lẽ muốn đem tình thương của đạo Phật để xây dựng cuộc sống an vui cho cuộc đời thì người con Phật trước hết phải sống đúng với đạo làm người, đạo làm con hiếu thảo với cha mẹ.
Để có cách báo hiếu cha mẹ có hiệu quả nhất, trong kinh Vu Lan đã chỉ rằng :"Khi cha mẹ còn tại thế phải biết lo miếng ăn thức uống, săn sóc giấc ngủ, nghỉ ngơi. Đừng để cha mẹ buồn phiền, lo lắng. Khi ốm đau phải ân cần thuốc thang hầu hạ. Biết hướng đời sống cha mẹ gần gũi với chánh pháp, tạo nên tinh thần thanh thản cao đẹp. Gieo nhân lành để cha mẹ kết duyên với Phật pháp, làm việc thiện tiến dần đến tu nhân giải thoát."
Nếu cha mẹ đã qua đời thì không thể bằng vào lòng chí hiếu cá nhân, đơn thể mà chuyển được nghiệp lực của cha mẹ, dù đó là bậc đệ nhất thần thông hay đại đệ tử
của Đức Như Lai như Ngài Mục Kiền Liên đi nữa cũng phải nhờ đến chư Tăng thanh tịnh trong mười phương. Nhờ đến sức mạnh hòa hợp của chư Tăng nghiêm tịnh trong ba tháng an cư, thúc liễm tam nghiệp, tịnh tu phạm hạnh. Nhờ nghiệp lực của chư Tăng mới giải thoát được nghiệp chướng, oan chướng, báo chướng cha mẹ đang bị trói buộc và trôi lăn trong luân hồi lục đạo. Nhà thơ Trúc Diệp đã nói lên các thần lực đó :
Trung Nguyên ngày hội vong Vu Lan,
Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn
Mùa của chư Tăng ngừng tưởng niệm,
Bảy đời cha mẹ thoát u quan.
Một ý nghĩa báo hiếu sâu sắc hơn của người Phật tử là không những báo hiếu với phụ mẫu sinh thành hiện tại mà còn báo hiếu đáp đền cả thâm ân của đa sanh phụ mẫu trong nhiều đời nhiều kiếp. Không phải ngẫu nhiên mà Đức Thế Tôn trên đường đi giáo hóa lại trang trọng đảnh lễ trước đống xương khô bên vệ đường như kinh Báo Ân đã nêu. Hành vi đầy ý nghĩa đó của Đức Từ Phụ đã cho chúng ta biết rằng : Qua nhiều đời nhiều kiếp chìm đắm trong luân hồi sinh tử mọi người đều có thể là cha mẹ lẫn nhau. Điều đó có nghĩa là tất cả chúng sanh đều bình đẳng trước nghiệp lực của luân hồi sinh tử.
Ngày nay, người Phật tử chúng ta ngoài sự báo đáp công ơn sâu dày của tổ tiê?, ông bà, cha mẹ. chúng ta cũng đừng quên cuộc sống của mọi người quanh ta. Tất cả trong chúng ta đều có sự tương quan, tương duyên với nhau trên cuộc đời này. Vì thế, phải thể ý niệm biết ân và báo ân một cách sâu xa. Cùng biết chia xẻ với mọi người đang gặp khó khăn trong cuộc đời. Những người không may bị tật nguyền, ốm đau. Những kẻ bất hạnh mất cha mất mẹ, mồ côi trên các nẻo đường không miếng cơm manh áo.
Chỉ có phát khởi tâm niệm của tình thương yêu rộng lớn đến với mọi người bằng tình cảm chân thành nhất, trong sáng nhất mới xoa được khổ đau của nhân thế. Thật buồn thay, nếu đạo đức xã hội ngày một tha hóa, vấn đề nhân sinh ngày một bị lãng quên. Hãy dấy lên ngọn lửa tình người, hãy nuôi dưỡng tinh thần biết ơn lẫn nhau và báo ân nồng thấm bằng hành động thiết thực của mình. Nhường cơm xẻ áo, san xẻ khổ đau mới đem lại cho mọi người niềm an lạc trong cuộc sống hiện tại.
Hãy dứt bỏ lòng vị kỷ tham lam và các tâm niệm tối tăm ngày càng lớn dần đang làm cho cuộc sống chịu cảnh đau thương của địa ngục trần gian. Có như thế mới mang lại ý nghĩa đích thực về ngày hiếu hạnh của những người con Phật, thắm đượm đạo Từ?i, thêm vui bớt khổ cho đời như Phật dạy :"Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật".
Với ý nghĩa đó, Vu Lan không chỉ giới hạn báo đáp tổ tiên ông bà, cha mẹ của chúng ta thật đầy đủ lễ bộ mà đánh mất bi niệm tạo niềm an lạc ngay trong cuộc sống với những người xung quanh ta.
Xã hội Việt Nam người, Phật tử Việt Nam từ ngàn xưa đã coi trọng con người biết hiếu thảo và nếp sống ấy mặc nhiên đã hình thành nền đạo đức hàng đầu trong đời sống của dân tộc. Mùa Vu Lan đã trở thành một tập quán đầy ý nghĩa nét đẹp phương Đông. Báo hiếu cha mẹ không chỉ dành cho người Phật tử mà còn cho cả mọi thành phần tầng lớp trong xã hội. Cũng cần nói thêm rằng báo hiếu cha mẹ không phải đợi khi cha mẹ qua đời, khuất bòng hay mỗi khi đến dịp Vu Lan mà phải nói ngay rằng : Người biết báo đáp ân đức cha mẹ là người luôn luôn biết sống trong ý thức thành kính, tận tụy phụng dưỡng cha mẹ được an vui cả hai phương diện vật chất và tinh thần, lúc các vị còn sống ở bên mình để khỏi hối hận khi cha mẹ không còn nữa. Phải biết trải tâm rộng lớn thương yêu đến mọi người, biết tương kính lẫn nhau, chia xẻ khổ đau, đùm bọc lẫn nhau, đem niềm vui đến với mọi người trong ý niệm xây dựng cuộc sống an vui thực tại.
Có như thế mới nói lên hết ý nghĩa Vu Lan Bồn là giải thoát những khổ đau, cởi bỏ những ác nghiệp của trần gian. Đó là ý nghĩa sâu sắc nhất của những người con Phật, biết sống và hành động theo chánh pháp của chư Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét