KHÔNG LÀM CÁC ĐIỀU ÁC, HÃY LÀM CÁC VIỆC LÀNH, GIỮ TÂM Ý TRONG SẠCH, LÀ LỜI CHƯ PHẬT DẠY.

Viễn Du

Có những đêm lạc mình trong đêm mộng

Trong mênh mông trong một mảnh hồn thơ

Trong nhịp thở đất trời lên tiếng gọi

Bản thể xưa rung động tợ cung đàn

Ta là ai giữa vũ trụ mênh mang...?

Giữa gió núi trăng ngàn muôn sông nước...

Chiều sương phủ lên đồi ai gối mộng!

Giấc phong trần phiêu lãng đã tàn canh

Và bãi vắng ai về trong tiếng gọi

Nghe tình quê tha thiết dậy trong lòng.





Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Những hạt ngọc Thầy trao

Tại thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà gọi là thế giới tha phương tịnh độ, thế giới đó được hình thành bởi nguyện lực của Đức Phật A Di Đà và được hình thành bởi nguyện lực của tất cả các bậc Thượng Thiện Nhơn
(Thượng toạ Thích Thái Hoà giáo huấn tang quyến và khai thị hương linh)
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính thưa quý vị trong thân quyến và Cô Bác Nội Ngoại cùng toàn thể lân lý xóm giềng xa gần. Để cho buổi lễ cầu nguyện tốt đẹp hướng tới hương linh Nguyên Đôn - Hồ Văn Thây được trượng thừa uy lực Tam Bảo, hiện tiền Chư Tôn Đức, cùng Chư Tăng, Ni và sự hộ niệm của tất cả quý vị hiện diện hôm nay được kết quả tốt đẹp xin tất cả quý vị hãy lắng nghe hết tâm tư của mình, theo dõi tiếng chuông, để cho tất cả những ưu tư, phiền muộn, rộn ràng lo lắng trong tâm thức được lắng yên và ta đem tâm thức lắng yên ấy, mà hướng về thân linh để cầu nguyện.
Có như vậy, thì nghiệp thức thân linh có cơ hội để chuyển hóa: tất cả những hạt giống tốt trong tâm thức và phát khởi những hạt giống thanh tịnh để có điều kiện tốt đẹp mà sanh về cảnh giới Tây phương của Đức Phật A Di Đà.
Vậy xin tất cả quý vị ngồi yên lắng để nghe tiếng chuông.
Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng thân an miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi (3lần)
Thưa quý vị !
Người xưa có dạy:
Trăm năm trước ta chưa có
Trăm năm sau có cũng như không,
cuộc đời sắc sắc không không
Trăm măm còn lại tấm lòng với nhau.
Nói rằng, trong đời người chúng ta sống trăm năm, nhưng quả thật rất ít người đạt tới đời sống đó, mà hiện thực trước mắt chúng ta là cố Phật tử Hồ Văn Thây Pháp danh Nguyên Đôn chỉ vỏn vẹn hơn 60 tuổi. Sáu mươi tuổi đi qua để lại đời cái gì? Nhà cửa, ruộng vườn, vợ con, cháu chắt, dâu, rễ, cơ nghiệp nhưng tất cả chỉ có ý nghĩa, khi ta để lại cho nhau một tấm lòng. Nếu ta không để lại cho nhau một tấm lòng thì nhà cửa, ruộng vườn trở thành vô nghĩa, vợ con hay cháu chắt trở thành oan gia, anh em trở thành thù địch, bạn bè trở thành xa cách.
Bởi vậy, chúng ta phải thắp sáng cõi lòng của chúng ta lên, chúng ta đem tấm lòng mà sống với nhau, khi đó tài sản sẽ có ý nghĩa, vợ con sẽ có ý nghĩa, anh em sẽ có ý nghĩa, bạn bè sẽ có ý nghĩa, xóm làng sẽ có ý nghĩa.
Thưa quý vị, có thể trong đời sống hằng ngày, chúng ta giàu có tài sản, nhưng nghèo khó về tâm hồn. Khi mà chúng ta nghèo khó về tâm hồn, và giàu có về tài sản, thì đó là một bất hạnh cho ta, cho dòng họ ta. Trái lại, ta nghèo tài sản nhưng ta giàu tâm hồn, ta giàu có tấm lòng là ta có điều kiện đem lại hạnh phúc cho ta, có điều kiện đem lại phước đức cho gia đìng ta, cho dòng họ ta, cho xóm làng ta và cho tất cả bạn bè của ta. Bởi vậy, người xưa nhắc nhở chúng ta: “Dù chi đi nữa, chúng ta cũng nên để lại cho nhau một tấm lòng. Ta sống với nhau bằng cả một tấm lòng bởi vì nhờ tấm lòng đó mà chúng ta có thể gọi mời nhau được từ bên kia đại dương về ở đây và từ đây ta có thể đi qua đại dương, chúng ta có thể đạt tới cảnh giới của các vị Bồ tát, Thánh hiền và chư Phật mười phương. Nếu chúng ta không có tấm lòng, thì chúng ta lấy gì để sống với nhau cho đẹp, chúng ta lấy cái gì để đi về với các cảnh giới cao đẹp, với cảnh giới Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà.
Cho nên, chúng ta đi tới với nhau bằng một tấm lòng, chúng ta đi tới các cõi khác bằng một tấm lòng. Bởi vậy chúng ta hãy trải lòng ra để sống với nhau và khi chúng ta đã có tấm lòng rồi, phước đức cũng tùy theo tấm lòng của ta mà tăng trưởng, và hạnh phúc, cũng tùy theo tấm lòng của ta mà phát khởi.
Kính thưa quý vị, cũng vì chúng ta sống với nhau là cả một tấm lòng. Bởi vậy mà trong thân quyến đã cung thỉnh Hòa Thượng chứng minh, Thượng tọa chủ sám, Chư Tôn Đức và Đại Đức Tăng Ni của các tu viện về đây để đóng góp phần cầu nguyện cho thân linh của mình và cũng vì tấm lòng, mà tất cả quý vị đã vấn trên đầu những chiếc khăn tang, mặc vào thân thể chiếc áo tang.
Ta chít lên đầu chiếc khăn tang với cả tấm lòng, thì chiếc khăn tang đó mới ý nghĩa, thân thể ta mặc chiếc áo tang với cả một tấm lòng, thì chiếc áo tang đó mới có ý nghĩa và mới có phẩm chất.
Bà con nội, ngoại, bạn bè, làng xóm đến đây phân ưu, chia buồn cũng với tất cả tấm lòng, nên sự chia buồn đó, mới có ý nghĩa, mới tạo ra một sức sống mãnh liệt. Trong các ý nghĩa quan hệ với nhau và tấm lòng đó không phải là tấm lòng suông mà tấm lòng đó được nuôi dưỡng bởi hai chất liệu Hiếu và Kính. Tấm lòng nào được nuôi dưỡng bởi hai chất liệu Hiếu và Kính thì hai chất liệu này sẽ nở ra những bông hoa rất đẹp, tỏa ra những mùi hương rất thơm trong cuộc sống con người.
Thưa quý vị!
Trong cuộc sống con người chỉ đẹp, cuộc sống gia đình chỉ đẹp, cuộc sống vợ chồng chỉ đẹp, cuộc sống bạn bè chỉ đẹp, cuộc sống xóm làng chỉ đẹp khi nào trong cuộc sống đó, nở ra những chất liệu Hiếu và Kính từ trong tấm lòng của mình.
Quý vị thấy, những bông hoa nằm trên bàn thờ, đó là những bông hoa vô tình thế mà ta còn trân trọng, trong cuộc sống những bông hoa còn có giá trị như thế huống chi là con người, là những bông hoa của tri giác, những bông hoa của hiểu biết. Con người là bông hoa của đất trời, nó được kết tinh bởi hai chất liệu Hiếu và Kính, tạo nên tấm lòng của sự sống. Ta đem tấm lòng đó mà đến với nhau, sống với nhau, đối xử với nhau hằng ngày, thì bản thân ta, gia đình ta ổn định, dòng họ ta, xóm làng ta, xã hội ta có được công bằng ổn định.
Bởi vậy, hạnh phúc thay, cho gia đình nào cha mẹ sinh ra có một người con có tấm lòng, mang chất liệu Hiếu và Kính! Hạnh phúc thay cho ông bà nội, ông bà ngoại nào đã sinh ra đứa cháu có tấm lòng và chất liệu Hiếu và Kính! Hạnh phúc thay, trong dòng họ tổ tiên nội ngoại nào sinh ra những người con, người cháu có tấm lòng mà trong tấm lòng đó có chất liệu Hiếu và Kính!
Trái lại, thật bất hạnh thay cho cha mẹ nào, gia đình nào, cho ông bà nội, ông bà ngoại nào đã sinh ra những người con, những người cháu không có những chất liệu Hiếu và Kính, thì gia đình đó sẽ trở thành địa ngục, trở thành thế giới của ngạ quỷ. Bởi vậy, trong gia đình của cố Phật tử Hồ Văn Thây, pháp danh Nguyên Đôn đã có duyên lành sinh ra những người con, người cháu đến với nhau có một tấm lòng, cùng có mặt với anh em trong gia đình, nội ngoại cùng với một tấm lòng và giao tiếp với hàng xóm, với bạn bè cũng với một tấm lòng, đó là phước đức rất lớn.
Vậy, trong giờ phút này, tất cả quý vị hãy làm phát huy phước đức vốn quý đó làm cho lớn mạnh lên, tăng trưởng thêm, để đem phước đức hồi hướng cho thân linh của mình. Quý vị là chính, dù là Hòa Thượng chứng minh, dù là Thượng Tọa chủ sám, quý Thầy, quý Cô hết lòng cầu nguyện nhưng tất cả chỉ là trợ duyên thôi.
Chính quý vị mới trực tiếp, tác động vào tâm thức thân linh của mình. Bởi vậy mà quý vị không chỉ thể hiện tấm lòng trong khi đám, mà quý vị còn thể hiện tấm lòng, sau khi đám tiệc đã xong. Quý vị hãy tha thứ những lỗi lầm cho nhau đừng có khúc mắc, gây sự với nhau và bạn bè cũng vậy, mình tới với bạn không phải chỉ từ nay cho đến 50 ngày, mà còn thể hiện một tấm lòng, để lui tới với gia quyến mãi mãi…
Trong gia đình có người thân qua đời, thì quý vị hãy ăn chay, cầu nguyện, ngoài việc làm đó ra, quý vị còn bố thí, in kinh sách ấn tống, làm việc từ thiện để hồi hướng lên cho thân linh khi đã quá vãng.
Quý vị là tác duyên trực tiếp chư Tăng và quý vị Phật tử hộ niệm là tác duyên gián tiếp. Do đó, qúy vị hãy đem hết lòng thành hướng về thân linh của mình để trợ niệm.
Quý vị phải biết rằng:
Đối với hạng người, thân luôn luôn làm ác, miệng luôn luôn nói ác, ý luôn luôn nghĩ ác, đó là hạng người cực ác. Hạng người ấy khi kết thúc sinh mệnh, nghiệp thức của họ bị rơi vào cảnh giới địa ngục như tên bắn, không có giai đọan của trung ấm thân, là thân chuyển tiếp giữa đời này và đời kia.
Đối với hạng người, thân luôn luôn làm thiện, miệng luôn luôn nói thiện, ý luôn luôn nghĩ thiện, đó là hạng người cực thiện. Hạng người này, khi kết thúc sinh mệnh, nghiệp thức của họ liền sanh lên các cõi trời, hưởng vô lượng phước báo, nên họ không có giai đọan của Trung ấm thân.
Bởi vì sao? Bởi vì có người chết, liền tái sinh ngay. Có những người sau khi 49 đến 100 ngày, mới tái sanh, còn những hạng người kiếp kiếp chưa được tái sanh vì họ sống:
Thiện, ác không rõ ràng,
Chánh, tà không phân minh
Nên, có giai đọan trung ấm thân và trung ấm thân này, có thể là một tuần mới bắt đầu chọn ra cảnh giớ tái sinh hoặc là hai tuần, hoặc 3 tuần, 5 tuần, 7 tuần, 100 ngày, 1 năm, 2 năm có những nghiệp thức của người chết đến 100 năm, 200 năm vẫn không chọn ra cảnh giới tái sinh, thì với nghiệp thức của hạng người này do khi sinh tiền, họ không phân biệt chánh tà, không phân biệt thiện ác. Thân này rất cần sự trợ niệm, rất cần sự hiếu kính của quý vị trong thân quyến.
Cho nên, trong Phật giáo có việc làm tuần, nghĩa là sau khi chết một tuần, thì mời chư Tăng, chư Ni tụng kinh, trong gia đình ăn chay niệm Phật, làm các việc phước đức hồi hướng cho hương linh, giống như là phóng ra một năng lượng thánh thiện, để đẩy nghiệp thức thân linh của mình đi lên, chọn một cảnh giới tốt đẹp mà tái sinh và giả như thân linh của mình sống cuộc đời tốt đẹp rồi, mà mình còn tụng kinh cầu nguyện, thì càng làm cho thân linh của mình càng thăng tiến trên con đường tốt đẹp hơn và giả như thân linh mình bất hạnh, sống một cuộc đời luôn luôn tạo ác, luôn luôn tạo xấu thì mời chư Tăng, chư Ni, Phật tử và sự hiếu kính của gia đình ăn chay, niệm Phật thì nhờ năng lượng tu tập đó, cầu nguyện đó, mà nghiệp thức thân linh của mình sớm ra khỏi cảnh giới tối tăm và sanh về cảnh giới tốt đẹp.
Nói như vậy, tất cả các quý vị phải biết rằng dù hương linh mình đã có phước đức rồi, mình ăn chay niệm Phật mời các Ôn, các thầy, các cô, các đạo tràng tụng kinh cầu nguyện, điều đó hết sức cần thiết để thăng hoa. Nếu thân linh của mình nghiệp thức rơi vào cảnh giới tối tăm, thì cũng nhờ sự cầu nguyện đó mà được ra khỏi và nếu nghiệp thức thân linh của mình không rõ, chưa chọn được đường đi nẻo về, thì cũng nhờ sự tụng kinh, nhờ sự ăn chay niệm Phật và hiếu kính của quý vị trong thân quyến cùng sự nhất tâm cầu nguyện của chúng Tăng, sớm chọn ra cảnh giới tốt đẹp để tái sinh. Vậy, tất cả quý vị hãy lắng nghe hết tâm tư, đem tất cả tấm lòng với nội dung Hiếu và Kính đó, hướng về Tam Bảo, hướng về nghiệp thức thân linh của mình, cùng chúng tôi có vài lời khai thị, dẫn đường cho nghiệp thức thân linh của quý vị, trong giờ phút trang nghiêm thành kính và cần thiết này.
 Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Hỡi hương linh:
Cố Phật Từ Pháp danh Nguyên Đôn – Hồ Văn Thây mặc nhiên lắng nghe! Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi, thì Hoà Thượng chứng minh, Thượng Toạ chủ sám, hiện tiền chư tôn đại đức Tăng Ni, thân quyến bạn bè, xóm làng xa gần sẽ tiễn đưa linh cữu hương linh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Vậy trước khi tiễn đưa linh cữu hương linh đến nơi an nghỉ cuối cùng tôi thay mặt Hoà Thượng chứng minh, Thượng toạ chủ sám, hiện tiền Đại Đức Tăng Ni có vài lời khai thị khiến cho nghiệp thức hương linh sớm nhận ra con đường giải thoát để mà hướng tâm vọng đến.
Hỡi hương linh,
- Có thế giới khổ đau thì nhất định có thế giới an lạc.
- Có thế giới chúng sinh thì nhất định phải có thế giới của chư Phật.
- Thế giới khổ đau làm cho ta phiền muộn bao nhiêu, thì thế giới cực lạc càng làm cho ta thảnh thơi an lạc bấy nhiêu.
- Thế giới của chúng sanh ràng buộc chúng ta bao nhiêu thì thế giới của chư Phật, làm cho ta tự tại giải thoát bấy nhiêu. Trong thế giới của chư Phật, gọi là thế giới tha phương tịnh độ.
Tha phương tịnh độ là thế giới của Đức Phật A Đi Đà, do Ngài tu tập mà tạo nên bằng tuệ lực còn thế giới Ta Bà này là thế giới của tất cả chúng sinh được tạo nên bằng nghiệp lực.
Thế giới của chúng sinh được tạo nên bằng nghiệp lực là thế giới không có tự do, chúng ta muốn sống lâu, nhưng lại chết yểu, chúng ta muốn giàu sang nhưng lại nghèo hèn, chúng ta muốn thông minh nhưng chúng ta lại bị ngu si, chúng ta muốn có phước đức nhưng lại tai nạn xảy ra trong đời sống của chúng ta. Bởi vì, thế giới này là thế giới của nghiệp lực, cho nên chúng ta muốn Thế giới của chúng sinh được tạo nên bằng nghiệp lực là thế giới không có tự do, chúng ta muốn sống lâu, nhưng lại chết yểu, chúng ta muốn giàu sang nhưng lại nghèo hèn, chúng ta muốn thông minh nhưng chúng ta lại bị ngu si, chúng ta muốn có phước đức nhưng lại tai nạn xảy ra trong đời sống của chúng ta. Bởi vì, thế giới này là thế giới của nghiệp lực, cho nên chúng ta muốn một đường mà sự việc xảy ra với chúng ta một nẻo.
Tại thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà gọi là thế giới tha phương tịnh độ, thế giới đó được hình thành bởi nguyện lực của Đức Phật A Di Đà và được hình thành bởi nguyện lực của tất cả các bậc Thượng Thiện Nhơn, do đó nơi thế giới ấy, chúng sanh đến với nhau bằng tâm hồn trong sáng, bằng một sự hiểu biết trong sáng. Nơi thế giới của Đức Phật A Di Đà đời sống rất dài, rất lâu, lâu đến vô lượng, đời sống ở nơi thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà phước đức rất lớn, lớn đến vô lượng.
Vì sao có phước đức vô lượng?
Vì ở nơi thế giới đó, tất cả những gì người sống ở đây làm việc gì cũng luôn luôn nghĩ đến lợi nguời và không bao giờ nghĩ đến lợi mình.
Do làm việc gì, nói việc gì mà nghĩ đến lợi người mà không đến lợi mình tạo ra phước đức vô lượng, tạo ra công đức vô lượng.
Trái lại, nơi thế giới Ta Bà này, chúng sanh khi làm cái gì, thì nghĩ đến lợi mình mà không nghĩ đến lợi ai cả, nhiều khi phước đức có hạn chế.
Bởi vậy, muốn về thế giới tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, thì hương linh phải có niềm tin sâu xa đối với thế giới cõi này. Đối với thế giới cõi này, đối với pháp tu ở cõi này và khi đã có niềm tin sâu xa như vậy rồi, hương linh phải thực hành, phải phát nguyện sanh về thế giới này. Hương linh phải nói và phải khởi lên trong tâm thức mình như thế này:
Kính lạy chư phật mười phương; Kính lạy chư đại Bồ tát trong mười phương; Kính lạy Đức Phật A Di Đà. Kính lạy Bồ tát Đại Thế Chí: Con là Phật tử pháp danh Nguyên Đôn, Hồ Văn Thây ở cõi Diêm Phù Đề, nước Việt Nam, huyện Phú Vang, xã Vinh An, làng An Bằng, Trong giờ phút này con đã xả báo thân, con nguyện được sanh về thế giới của ngài tu học và con sẽ yên lòng niệm phật, từ 1 niệm cho đến 10 niệm, mà tâm con không tán loạn, ý con sáng suốt, xin Đức Phật A Di Đà, xin Bồ Tát Quán Thế Âm, xin Bồ Tát Đại Thế Chí, xin các vị Bồ tát trong 10 phương các bậc Thượng Thiện Nhơn trong 10 phương, phóng quang hộ niệm cho nghiệp thức của con, sớm được sanh về cảnh giới của đức Phật A Di Đà, tuỳ ý mà thọ sanh.
Hỡi hương linh!
Khi hương linh phát nguyện như vậy, bằng tất cả tấm lòng, bằng sự nhất tâm của mình, thì chính sự nhất tâm của hương linh, sẽ cảm ứng vào bản nguyện độ sinh của Đức Phật A Di Đà cảm ứng vào bản nguyện độ sinh của chư vị Bồ tát 10 phương và do cảm ứng, cho nên từ Tây phương cực lạc, ánh sáng của Đức Phật A Di Đà, phóng ra vô lượng , ánh sáng chói lọi đỏ rực sẽ đi qua tâm thức hương linh, chạm vào tâm thức hương linh, làm cho tự tính A Di Đà tự tính tịnh độ, nơi tâm thức hương linh phát khởi và lưu hiện. Bởi, khi ánh sáng đỏ rực của Đức Phật A Di Đà, phóng ra chạm vào tâm thức hương linh, khiến cho những hạt giống phiền não của nhiều đời, trong tâm thức hương linh tiêu tan, ánh sáng tuệ giác hương linh phát sinh, thì hương linh đừng sợ hãi, khiếp đảm, hương linh hãy phát nguyện rằng:
Bạch Đức A Di Đà Như Lai, con là Phật tử Nguyên Đôn – Hồ Văn Thây
Khi sinh tiền con đã từng niệm phật
Con đã từng niệm Pháp
Con đã từng niệm Tăng
Con đã từng thọ trì 3 Pháp quy y
Con đã từng thọ trì 5 giới cấm
Cho nên trong con đã có Phật
Xin ngài phóng quang tiếp độ cho con!
Hương linh giữ gìn chánh niệm như vậy, nhất tâm như vậy. khi giữ gìn nhất tâm như vậy, thì chỉ trong khoảng khắc, nghiệp thức hương linh sẽ nhập vào ánh sáng vô lượng của Đức Phật A Di Đà mà về Tây phương tịnh độ, nhanh chóng như là khảy móng tay.
Khi về đó rồi, hương linh sẽ được các vị Bồ tát, các vị Thanh Văn hướng dẫn tu tập, tuỳ theo căn cơ của mình, nếu căn cơ của hương linh thuần chất Phật pháp, thì sẽ sanh lên hoa sen thượng phẩm.
Nếu căn cơ nghiệp thức của hương linh còn có những điều chướng ngại thì sẽ được sanh vào bậc hạ phẩm ở trong Liên Hoa Đại Tạng và sẽ được các ngài chăm sóc hướng dẫn tu tập cho đến khi phát khởi được Bồ đề tâm, tu tâm Bồ tát đạo đạt đến các địa vị bất thối chuyển.
Hỡi hương linh!
Khi hương linh tu tập phát Bồ đề tâm, mỗi ngày tinh tiến lên và đạt được địa vị bất thối chuyển rồi, hương linh hãy học theo hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm, học theo hạnh của Bồ tát Đại Thế Chí, học theo hạnh của Bồ tát Địa Tạng Vương, phân thân vô số, để hoá độ cho tất cả chúng sinh, trong mười phương thế giới, ai chưa biết quy y Tam Bảo hương linh hãy khuyến khích cho họ quy y, ai chưa biết ăn chay niệm Phật, hương linh hãy khuyến khích cho họ biết ăn chay, ai chưa biết hiếu kính với cha, với mẹ, hương linh hãy khuyến khích cho họ hiếu kính với cha với mẹ, chưa biết cội nguồn tổ tiên nội ngoại, hương linh hãy khuyến khích cho họ vun trồng cội nguồn tổ tiên nội ngoại để phước đức tăng trưởng.
Hương linh thực tập như vậy, thì sự hiếu kính của con cháu trong gia đình, sự chứng minh, hộ niệm của Chư Tăng, sự phân ưu chia sẻ của các thân hữu và sự tiễn đưa của bà con xóm làng mới có ý nghĩa.
Hỡi hương linh, hơn 60 năm hương linh sống trong cuộc đời này.
Và trong thời gian qua, nếu vợ, con dâu rể, bạn bè, bà con nội ngoại, có làm điều gì khiến hương linh khi sinh tiền không bằng lòng, thì ngày giờ phút này trước Tam Bảo, trước hiện tiền Tăng, hương linh hãy khởi niệm hoan hỷ, buông xả tất cả, để tâm thức của hương linh nhẹ nhàng, mà lên đường về tịnh độ, xa lìa phiền não chốn trần ai, hoa sen chín phẩm là cha mẹ, vui đặng tiêu giao chốn Phật đài.
Nam Mô Đăng Vân Lộ Bồ Tát Ma Ha Tát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Sám hối

Tâm tha thiết bao lần xin sám hối

Mà kiêu căng tật đố vẫn không ngừng

Đức Phật ơi!Ngài cứu độ xót thương

Cho con trẻ chẳng rơi vào hố lửa

Trước Tam Bảo từ nay con xin hứa

Những lỗi xưa xin nguyện bỏ từ đây

Tham,sân,si nuôi dưỡng đã bao ngày

Nay nhất định ra tay trừ dẹp sạch.

(Thích Nữ Châu phương)

" Tôi không buồn, không khóc, cũng không suy nghĩ quá nhiều...Nhưng tôi cần có thêm nhiều hơn một khoảng im lặng để tôi suy ngẫm về chính mình, về mọi người xung quanh...và về cuộc đời."

Khách sang sông nhưng lòng sao vướng bận!
Miệng mĩm cười, chân vẫn cứ bâng khuâng!
bước ra đi hay quay đầu chạy lại?
Đâu bên sông, vang vọng tiếng nhân sầu!!!















Lang thang làm khách phong trần mãi.
Ngày hết quê xa, vạn dặm trường .
(T.T .Tông)







Viễn Du

Pha loãng chút tình trong nắng sớm

Đôi dòng ly biệt khách sang sông.